Lịch sử Đảng Bộ xã Hoằng Thanh

Nhân dịp kỷ niệm 71 năm ngày thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên nay là Đảng bộ xã Hoằng Thanh (6/8/1947 – 6/8/2018). Ôn lại chặng đường lịch sử cách đây 71 năm. Ngày 6/8/1947 Chi bộ Đảng Thanh Khê (nay là Đảng bộ xã Hoằng Thanh) được thành lập gồm 03 đồng chí: đ/c Đỗ Đức Bính (xã Hoằng Ngọc), đ/c Nguyễn Hữu Khánh (xã Hoằng thanh) và đ/c Lê Đình Tái (xã Hoằng Phụ). đ/c Đỗ Đức Bính được Huyện uỷ chỉ đạo làm bí thư chi bộ và lấy tên là chi bộ Phan Thanh. Từ đây xã nhà đã có sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của chi bộ Đảng, mọi phong trào cách mạng ở thời kỳ này được chỉ đạo một cách kịp thời và mạnh mẽ.
Trải qua 71 năm qua có biết bao thăng trầm và thay đổi của lịch sử của các thời kỳ cách mạng, từ những lúc khó khăn khốc liệt của chiến tranh cũng như những lúc thời bình, phong trào cách mạng luôn có sự chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, sự quản lý điều hành của Chính quyền, sự đoàn kết nhất trí và ủng hộ của các tầng lớp nhân dân trong xã. Đảng bộ đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách vừa xây dựng, vừa chiến đấu và ngày càng trưởng thành, lớn mạnh.

Trong lịch sử và phong trào cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Hoằng Thanh (giai đoạn 1945 – 2005) đã nêu: Từ thời xa xưa, người việt đã đến đây để tụ cư “ Hữu dân tự cổ cư thành trụ” đã tạo nên xóm làng trù phú. Trải qua trường kỳ của lịch sử và đặc trưng địa lý văn hoá, người dân nơi đây đã hun đúc nên truyền thống tốt đẹp, con người nơi đây cần cù, chịu khó, xuất hiện vào khoảng đầu thế kỳ thứ X, họ đến đây khai thiên, lập ấp, canh tác nông nghiệp, đánh bắt cá biển và dần dần hình thành 3 làng là: làng Lương Ngọc, Thanh Hà và Thu vi thuộc Tổng ngọc chuế cũ và từ đó sinh sống trường tồn mãi mãi cho tới ngày nay.
Nhìn lại quá khứ, khi chưa có sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta sống trong chế độ thực dân phong kiến, biết bao khổ cực khó khăn, bị bóc lột về kinh tế, đàn áp về chính trị, sưu cao, thuế nặng, đói rét, nhiều gia đình phải ly tán, luôn luôn phải đối đầu với bão lũ, thiên tai, hạn hán liên tục xảy ra, tình hình thời tiết diễn biến bất thường, đồng ruộng canh tác thấp kém, chủ yếu dựa vào thiên nhiên để sinh sống và tồn tại.
Trong những năm 1940, xã Hoằng Thanh chưa có cơ sở Đảng để lãnh đạo trực tiếp, nhưng lúc bấy giờ cũng đã ảnh hưởng trực tiếp của Mặt trận phản đế cứu quốc của huyện.

Năm 1941 - 1942 phong trào phản đế, phản phong đã phát triển mạnh mẽ ở các tổng Lỗ Hương, Bái Trạch, Hành Vĩ, Ngọc Chuế… để chống Nhật, Pháp thu mua thóc rẻ của dân. Cuộc đấu tranh ấy đã làm lung lay các tầng lớp cai trị tại địa phương. Trước cao trào đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân đối với bọn đế quốc và phong kiến. Tỉnh uỷ Thanh Hoá đã cử đ/c Tố Hữu về Hoằng Hoá để chỉ đạo phong trào xây dựng mặt trận Việt Minh. Sau một thời gian nắm bắt tình hình, đ/c Tố Hữu đã bắt nối với cơ cở cách mạng tại nhà đ/c Lê Quang Trường xóm chợ vực thôn Kim Đính Tổng Ngọc Chuế. Cũng tại nơi đây đ/c Tố Hữu đã trực tiếp truyền bá tư tưởng cách mạng cho nhiều cán bộ, trong đó có các đ/c Nguyễn Hữu Khánh, Nguyễn Thế Phú và Nguyễn Năng Đới…

Năm 1943 các đ/c Nguyễn Hữu Khánh, Nguyến Thế Phú, Nguyễn Năng Đới đã dự lớp nghiên cứu chủ nghĩa Mác Lê Nin tại thôn Kim Đính (xã Hoằng Tiến) là cảm tình Đảng và được cấp trên giao nhiệm vụ để lãnh đạo phong trào ở địa phương.

Năm 1943 – 1944 ở Lương Hà đã có hàng chục thanh niên, học sinh yêu nước tham gia Việt Minh gồm ông Đỗ Trường Loan, Nguyễn Sinh Hương, Nguyễn Thế Phen, bà Hắc Thị Kiểu, ông Nguyễn Năng Ới, Nguyễn Năng Sự, Lê Công Thơ, Lê Ngọc Tạ và nhiều đ/c khác.
Đến giữa năm 1943 Ban mặt trận Việt Minh ở Lương Hà được thành lập gồm:

Ông: Nguyễn Hữu Khánh làm Chủ tịch
Ông Lê Thế Phú làm Phó Chủ tịch
Ồng: Nguyễn Năng Ới phụ trách Nông dân cứu quốc
Ông: Lê Công Thơ phụ trách Tài chính
Bà: Hắc Thị Kiểu phụ trách Phụ nữ cứu quốc
Ông: Lê Thế Phen phụ trách Việt Minh thôn Lương Hà
Ông: Nguyễn Năng Đới phụ trách Việt Minh thôn Thanh Hà
Ông: Phạm Lê Huân phụ trách Việt Minh thôn Xuân Vi
Ông: Đỗ Trường Loan phụ trách Phụ lão kháng chiến
Ông: Lê Danh Viên phụ trách Thanh niên cứu quốc
Ông: Lê Phú Cư phụ trách Quân sự
Ông: Nguyễn Đăng Quang phụ làm Văn thư - Hành chính

Đến đầu năm 1944 gia đình ông Nguyễn Sinh Thụ đã tự nguyện cho ban Việt Minh xã sử dụng ngôi nhà ở gần chợ Hà làm trụ sở để làm việc.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị. Tỉnh uỷ đã có chủ trương tăng cường củng cố ban vận động Việt Minh và đã được kiện toàn lại chuyển tên gọi thành ban Việt Minh Huyện gồm đ/c Nguyễn Khắc Cầm (Trưởng ban) đ/c Nguyễn Huy Soạn, đ/c Nguyễn Khắc Duy (uỷ viên) nắm bắt được tình hình địa phương, ban mặt trận đã hướng dẫn nhân dân dấy lên phong trào đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang đã làm cho địch lúng túng, sợ hãi, nhân dân Lương Hà đồng lòng không nộp sưu thuế, không đi đào sông, kênh than, không đi làm sân bay Lai Thành buộc lý trưởng phải từ chức. Tháng 5/1945 uỷ ban dân tộc giải phóng Tỉnh ra đời và đã có Chỉ thị cho các địa phương mua sắm vũ khí chuẩn bị khởi nghĩa. Ở Lương Hà mặt trận đã vận động nhân dân thu gom sắt thép, chỉ đạo tổ chức các lò rèn ngày đêm làm vũ khí chuẩn bị cho tự vệ, chỉ trong thời gian ngắn toàn xã đã rèn được 200 lưỡi mác, 50 đại đao, 170 dao găm, với khí thế cách mạng tiến công như triều dâng thác đỗ, làm cho bọn nha lại tổng lo sợ. Phong trào Việt Minh của xã nhà ngày càng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, các tổ chức cứu quốc được thành lập ở các làng, các xã và khắp cả tổng cùng với uỷ ban khởi nghĩa Huyện Hoằng Hoá vận động quần chúng nhân dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền, các đơn vị tự vệ chiến đấu thực hiện phương án tác chiến được tập trung phối hợp hành động.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ Đảng và Ban Việt Minh huyện. Từ Lương Hà đ/c Nguyễn Hữu Khánh và đ/c Nguyến Thế Phú dẫn đầu 21 tự vệ cảm tử quân, với vũ khí gậy gộc, gươm giáo nhận lệnh chiến đấu, đã cùng với lực lượng tự vệ và nhân dân trong Huyện làm nên ngày 24 tháng 7 năm 1945 giành chính quyền về tay nhân dân sớm nhất trong tỉnh Thanh Hóa. Thành công của cuộc khởi nghĩa 24/7 là đỉnh cao của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản trên quê hương Hoằng Hóa. Ngày 24/7 trở thành một mốc son tươi thắm, đánh dấu sự đổi đời của nhân dân Hoằng Hóa nói chung và nhân dân Hoằng Thanh nói riêng, từ thân phận nô lệ, mất nước, trở thành người làm chủ. Chính quyền về tay nhân dân mở ra kỷ nguyên mới: Độc lập dân tộc, gắn liền với CNXH, góp phần xứng đáng vào sự thành công của cách mạng tháng Tám năm 1945.

Sau 03 ngày khởi nghĩa thành công, dưới sự lãnh đạo của chi bộ huyện. Ban dân tộc tổng Ngọc Chuế được thành lập và tổ chức quần chúng mít tinh, ra mắt tại thôn Kim đính (Hoằng Tiến), cuộc mít tinh thu hút hàng ngàn quần chúng tham gia. Ở Hoằng Thanh cùng với đông đảo nhân dân và 150 đội viên cứu quốc hàng ngũ chỉnh tề dương cao vũ khí, cờ, biểu ngữ đến tham dự cuộc mít tinh này.
Được sự chỉ đạo của tỉnh uỷ Thanh Hoá, đêm 17 rạng ngày 18/8/1945 tại thôn Dư Khánh (xã Hoằng Đạo) uỷ ban cách mạng lâm thời được thành lập do đ/c Lê Quang Trường xã Hoằng Tiến làm chủ tịch, đ/c Nguyễn Hữu Khánh xã Hoằng Thanh được bầu làm phó ban dân tộc giải phóng phụ trách nửa tổng phía nam.

Ban dân tộc giải phóng cử các đ/c phụ trách các thôn: Thôn Lương Ngọc do đ/c Nguyễn Thế Phen phụ trách làm chánh Việt Minh, đ/c Lê Văn Phiên làm phó Việt Minh, đ/c Đỗ Huy Hoàng làm trưởng thôn. Thôn Thanh Hà do đ/c Nguyễn Năng Đới làm chánh Việt Minh kiêm trưởng thôn, 2 phó thôn là Nguyễn Năng Hợi và Nguyễn Phú Cư. Thôn Xuân Vi do đ/c Cao Đại Luân làm chánh Việt Minh, Hoằng Khắc Luận làm phó Việt Minh.

Từ khi chưa có tổ chức Đảng mọi phong trào hoạt động cách mạng đều do mặt trận Việt Minh tổ chức lãnh đạo, đã trở thành lực lượng nòng cốt dưới sự lãnh đạo của huyện uỷ Hoằng Hoá. Với tinh thần quật cường của quần chúng, các đ/c trong uỷ ban mặt trận Việt Minh đã vững vàng kiên trung, không ngại mọi khó khăn, thử thách, không sợ hy sinh gian khổ để vươn lên tiếp tục tập hợp các tầng lớp nhân dân yêu nước, yêu quê hương, xây dựng chính quyền còn non trẻ… củng cố các tổ chức quần chúng mới được thành lập.
Ý nghĩa lịch sử vĩ đại đó là niềm tự hào to lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và của toàn dân tộc… và là nền tảng vững chắc để nhân dân Hoằng Thanh bước vào công cuộc xây dựng và bảo vệ chính quyền mới. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Mặt trận Việt Minh đã vận động đông đảo quần chúng tích cực tham gia tuần lễ vàng, tuần lễ đồng, công trái kháng chiến, hũ gạo nuôi quân, lập làng kháng chiến, tăng gia sản xuất chống đói, chống nạn mù chữ, chống giặc ngoại xâm được phát động thành chiến dịch, thành phong trào quần chúng mạnh mẽ rộng khắp …

Từ khí thế sôi sục của phong trào cách mạng trên đã làm tiền đề và tạo cơ sở để tổ chức Đảng ở địa phương ra đời. ngày 6/8/1947 chi bộ đảng được mệnh danh thay tên là chi bộ Phan Thanh (nay là Đảng bộ xã Hoằng Thanh) chi bộ được huyện uỷ giao nhiệm vụ lãnh đạo phong trào cách mạng của nửa tổng phía nam. Từ đây đã có tổ chức Đảng trực tiếp lãnh đạo mọi phong trào cách mạng của xã nhà. Thực hiện kế hoạch của Ban quân sự huyện, các đơn vị lực lượng vũ trang được học chính trị, luyện tập kỹ thuật quân sự, thực hiện “ tuần lễ dân quân tự túc”. Nhân dân trong xã đóng góp tiền mua sắm vũ khí như mìn, lựu đạn, lương thực, thực phẩm… cho dân quân du kích tập trung huấn luyện khi cần thiết giành một phần đất công điền cho dân quân sản xuất, lập quỹ để phát triển lực lượng vũ trang.

Năm 1953 với sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, nhân dân Hoằng Thanh với tinh thần bảo vệ quê hương đã góp hàng vạn cây tre, phi lao, rào chắn bờ biển, rào làng kháng chiến, đặt chông, cài mìn ở những nơi xung yếu và thường xuyên tuần tra canh gác.

4 giờ sáng 8/9/1953 giặc pháp đã đổ bộ lần thứ nhất vào thôn Xuân Vi (thuộc xã Hoằng Thanh). Nhờ cớ sự cảnh giác cao nên chúng ta đã phát hiện kịp thời, bố trí lực lượng tác chiến tại chỗ đồng thời hướng dẫn cho đồng bào ta đi sơ tán và cất dấu tài sản trong gia đình. Lực lượng tham ra chiến đấu của ta là Trung đội du kích Tây Lương do đ/c Lường Khắc Phương, Nguyễn Văn Đới chỉ huy. Trung đội du kích thôn Lương Ngọc do đ/c Đỗ Lường Trênh, Nguyễn Công Khanh, Lê Văn Cốc chỉ huy. Trung đội du kích Thanh Hà do đ/c Hắc Ngọc Cận, Nguyễn Thế Hỷ chỉ huy. Trung đội du kích Xuân Vi do đ/c Lê Văn Vượng chỉ huy. Chúng đổ bộ vào làng đốt 154 nóc nhà. Với tinh thần chiến đấu quả cảm, anh dũng của ta, chúng đã bỏ chạy ra tàu và rút lui. Trong trận chiến đấu này có 5 bộ đội và dân quân du kích đã anh dũng hy sinh đó là: Nguyến Thế Hỷ, Lê Văn Vượng, Trương Ngọc Bảo, Lê Phú Thái và Hắc Ngọc Cận.

Sau trận càn này, Huyện uỷ, Uỷ ban kháng chiến hành chính và ban chỉ huy quân sự huyện đã chỉ đạo củng cố xây dựng lực lượng du kích gồm những đ/c đảng viên và thanh niên trung kiên làm nòng cốt, kỹ thuật chiến đấu được luyện tập sẵn sàng chiến đấu.

Lần thứ 2 ngày 4/2/1954 Pháp lại cho tàu chiến đổ bộ 1 đại đội lên biển xã Hoằng Thanh vào chập tối. Do chủ động lực lượng và bố trí phòng sẵn sàng chiến đấu, lực lượng dân quân tự vệ của ta đã chặn đánh quyết liệt khi chúng chưa thực hiện được tội ác. Bị đánh bất ngờ nên 7 tên địch bị tiêu diệt tại chỗ, số còn lại xô nhau vừa chống trả vừa tháo chạy. Về phía lực lượng ta có đ/c Lê Văn Cốc thôn Lương Ngọc xã Hoằng Thanh hy sinh. Với những chiến công ấy nhân dân Hoằng Thanh càng phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tích cực xây dựng hậu phương ngày thêm vững mạnh.

Trong những năm kháng chiến trường kỳ của dân tộc, nhiệm vụ chính trị của chi bộ đặt ra lúc này là tiếp tục củng cố chăm lo xây dựng chính quyền, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng lực lượng dân quân du kích sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng chi viện sức người, sức của cho kháng chiến, đấu tranh giai cấp, thực hiện cách mạng dân tộc, dân chủ, người cày có ruộng, chia công điền, công thổ cho nông dân. Nhiều cán bộ, đảng viên đã quyết tâm không ngại khó khăn, gian khổ lấy nhiệm vụ là trên hết, vận động nhân dân tăng gia lao động sản xuất xây dựng quê hương, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến. Hưởng ứng phong trào ủng hộ kháng chiến, động viên con em lên đường tham gia vào bộ đội, đi dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong, dân công tiếp vận, ủng hộ của cải, triệt hạn nhà cửa khi cách mạng yêu cầu. Chỉ trong nửa tháng toàn xã đã ủng hộ được 50 chỉ vàng, 950 kg đồng các loại. các phong trào khác như mua công trái kháng chiến, có gần 700 phiếu, mệnh giá mỗi phiếu từ 200 – 1.000đ, có gia đình mua 9 – 10 phiếu như gia đình ông Nguyễn Năng Thụ, Nguyễn Hữu Khánh, Nguyễn Năng Đới...

Toàn xã có gần 100 thanh niên tham gia vào bộ đội, 17 người đi thanh niên xung phong với gần 1.200 lượt dân công hỏa tuyến, tiếp vận cho mặt trận Thượng Lào, Hoà Bình – Tây Bắc và chiến dịch Điện Biên Phủ...
Công lao ấy đã góp phần thắng lợi vẻ vang trong công cuộc kháng chiến trường kỳ, anh dũng chống thực dân pháp xâm lược mà đỉnh cao là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Hoà bình lập lại sau giảm tô. Hoằng Thanh được chia tách thành 03 xã và xã Hoằng Thanh vẫn lấy tên là Hoằng Thanh cho đến ngày nay. Trong giai đoạn cách mạng này chi bộ Đảng đã tập trung lãnh đạo thực hiện 02 nhiệm vụ chiến lược là: xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở miền bắc, bảo vệ đất nước và giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước. Đồng thời luôn quan tâm đến sản xuất nông nghiệp, vận động nhân dân làm ăn tập thể, từ tổ đổi công đến thành lập hợp tác xã nông nghiệp, phát triển phong trào chăn nuôi tập trung, thanh niên làm bèo hoa dâu, phong trào vươn khơi dài ngày đánh bắt cá biển, cải tạo đồng ruộng, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, xây dựng giao thông nội đồng, bờ vùng, bờ thửa, bê tông hoá kênh mương… Từ đó lôi cuốn phong trào sản xuất, xây dựng HTX ngày càng phát triển, vận động nhân dân xây dựng hậu phương lớn ở Miền Bắc, chi viện cho Miền Nam đánh giặc, vừa phát triển kinh tế, vừa tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước, cùng với cả nước quá độ đi lên CNXH.

Trong chiến tranh leo thang phá hoại Miền Bắc của Đế quốc Mỹ, xã Hoằng Thanh đã nhiều lần bị máy bay Mỹ ném bom, ngoài biển thì liên tục nhiều đợt bắn pháo kích tàn phá nhiều nhà cửa, tải sản, giết hại nhiều người dân vô tội. Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo nhân dân thực hiện khẩu hiệu, “Tất cả vì miền nam ruột thịt, thóc không thiếu 1 cân, quân không thiếu 1 người” động viên con em hăng hái lên đường vào bộ đội, đi thanh niên xung phong, chiến đấu và phục vụ nhiệm vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường, có những gia đình từ 2 – 3 người con, có những gia đỉnh cả 3 thế hệ đều tình nguyện lên đường bảo vệ Tổ quốc, đồng thời luôn chú trọng xây dựng lực lượng Dân quân tự vệ, Dân quân trực chiến, cùng bộ đội chủ lực bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển, thiêng liêng của Tổ quốc và quê hương.

Trong 02 cuộc kháng chiến trường kỳ anh dũng của dân tộc, Đảng bộ và nhân dân xã nhà đã góp một phần đáng kể về sức người, sức của cho tổ quốc. Toàn xã có trên 1.500 người tham gia vào bộ đội, đi thanh niên xung phong và dân công hoả tuyến, trong đó đ/c Trần Công Đoàn được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 5 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 73 thương, bệnh binh các loại, 121 liệt sĩ, 6 người ảnh hưởng chất độc da cam, 435 người được Chính phủ tặng thưởng huân, huy chương các loại, 572 người được cấp bằng khen.

Từ mảnh đất nghèo khổ, khó khăn mọi bề nhưng đã nung nấu bao đời những người con của quê hương hết lòng về cách mạng, phục vụ cách mạng, phụng sự nhân dân, nhiều con em cũng từ khốn khó vươn lên, đến công tác vận động cán bộ, đảng viên đi xây dựng vùng kinh tế mới như ở: huyện Như Xuân, tỉnh Phú Riềng, Sông Bé, Bình phước...đã dấy lên phong trào mạmh mẽ, được tỉnh và huyện tặng lá cờ đầu trong công cuộc đi xây dựng vùng kinh tế mới.

Trong những năm gần đây, phát huy truyền thống 70 năm hoạt động cống hiến, xây dựng và phát triển. Mặc dù có nhiều khó khăn, thử thách nhất là mức khởi điểm rất thấp của xã thuần nông. Nhưng với sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ Đảng, nhân dân đồng thuận, chúng ta đã có những bước chuyển biến và giành được những thành tựu quan trọng. Nền kinh tế của xã đã có sức vươn lên. Kinh tế phát triển tương đối ổn định, tốc độ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, các chương trình KT-XH; QP-AN được quan tâm, phù hợp với quy luật vận động của nền kinh tế thị trường, tiếp tục đổi mới nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung cao cho phát triển công nghiệp, ngành nghề, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và du lịch. Các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và du lịch không ngừng được mở rộng và phát triển, đáp ứng cơ bản nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. Công tác văn hóa – xã hội; y tế, giáo dục; giớ thiệu, giải quyết việc làm và công tác xóa đói, giảm nghèo được quan tâm. Nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân được củng cố. Công tác xây dựng Đảng, hoạt động của Chính quyền, sự phối hợp giữa MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội thường xuyên được quan tâm; phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành không ngừng được đổi mới, đáp ứng với tình hình, nhiệm vụ hiện nay.

Hoằng Thanh có được diện mạo phát triển về KT-XH; đảm bảo QP-AN như hiện nay là nhờ có lòng yêu nước, yêu quê hương của nhân dân Hoằng Thanh sớm giác ngộ cách mạng và luôn đi theo đường lối cách mạng của Đảng, luôn kế thừa và phát huy, phát triển trong sự lãnh đạo của toàn Đảng bộ mà trước hết là BCH Đảng bộ qua các thời kỳ, là cố gắng của cán bộ, đảng viên. Từ chi bộ với 03 đảng viên gặp biết bao thử thách, từ hoạt động bí mật, công khai và trải qua bao biến đổi thăng trầm của lịch sử trên chặng đường dài đấu tranh oanh liệt của dân tộc. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Huyện ủy. Đảng bộ Hoằng Thanh luôn trưởng thành và phát triển, đến nay Đảng bộ xã đã có 10 chi bộ trực thuộc với hơn 260 đảng viên. Thành tích đó là kết quả của sự nỗ lực, phấn đấu của cán bộ, đảng viên và hơn 11 nghìn dân trong xã. Sự giúp đỡ của các cấp, các ngành cấp trên mà trực tiếp là BTV Huyện ủy, UBND Huyện, của các thế hệ con em Hoằng Thanh đang sinh sống và công tác trên mọi miền tổ quốc.

Từ những truyền thống quý báu trong suốt 70 năm qua. Bên cạnh những kết quả và thành tích đạt được song cũng còn những tồn tại, hạn chế và những khó khăn còn nhiều ở phía trước, yêu cầu đặt ra cho Đảng bộ và nhân dân trong xã cần phải phát huy nhiều hơn nữa những thành tích đó, đồng thời khắc phục cho bằng được những tồn tại, khuyết điểm để không ngừng vươn lên, tạo niềm tin tưởng vững chắc để Đảng bộ và nhân dân xã Hoằng Thanh từng bước tiến lên, xây dựng quê hương ngày một giầu đẹp.

Nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập chi bộ đảng đầu tiên nay là Đảng bộ xã Hoằng Thanh (6/8/1947 - 6/8/2017) đầy ý nghĩa này. Trong niềm tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, tin tưởng vào công cuộc đổi mới của đất nước, chúng ta mãi mãi biết ơn Đảng và Bác Hồ vĩ đại, biết ơn những bậc tiền bối; biết ơn những người con ưu tú, những chiến sĩ cách mạng qua các thế hệ đã hy sinh xương máu cho quê hương, đất nước; biết ơn những bà mẹ Việt Nam anh hùng; những cá nhân, gia đình có công với nước. Vinh quang và tự hào, Đảng bộ và nhân dân xã Hoằng Thanh hôm nay quyết tâm đoàn kết, giữ gìn và phát huy truyền thống, ra sức thi đua lao động sản xuất, công tác, học tập xây dựng xã mạnh về kinh tế, văn minh về VH-XH, đảm bảo về QP-AN. Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện của Đảng bộ; phát huy sức mạnh tổng hợp; dân chủ, sáng tạo, đột phá; xây dựng quê hương Hoằng Thanh phát triển bền vững.

Đảng bộ và nhân dân Hoằng Thanh nguyện mãi mãi đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, quyết tâm lãnh đạo nhân dân xây dựng quê hương Hoằng Thanh ngày một giầu đẹp.
Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!
Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!